Các hộ chăn nuôi heo Trung Quốc ngăn chặn được dịch ASF càn quét trang trại của mình kể từ khi ổ dịch đầu tiên bùng phát vào năm ngoái đang thu về lợi nhuận lớn, với con số kỉ lục lên tới 200 USD/con heo nhờ giá heo tăng vọt.
Dịch tả heo châu Phi (ASF) đã lan ra khắp các tỉnh của nhà sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới.
Đàn heo của Trung Quốc đã giảm một phần ba trong tháng 7 so với cùng kì năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, dù một số quan sát tin rằng một nửa đàn heo đã bị tiêu hủy.
Nguồn: Reuters.
Kể từ tháng 6, sự sụt giảm về sản lượng đã kéo giá tăng vọt. Giá heo hơi trung bình cả nước đã vượt mức kỉ lục năm 2016 là 21 nhân dân tệ/kg vào đầu tháng này lên 24,6 nhân dân tệ/kg hôm 19/8, theo dữ liệu từ công ty Shanghai JC Intelligence.
Xu hướng này không bình thường vì giá heo thường yếu trong những tháng hè, thời điểm nhu cầu thịt heo thấp, và bắt đầu tăng vào tháng 9, khởi đầu của mùa cao điểm.
"Thời điểm tăng giá sớm hơn dự báo", theo Pan Chenjun, chuyên gia phân tích cấp cao tại Raobank. "Tháng 8 vẫn là mùa nhu cầu thấp nhưng hiện tại chúng tôi nhận thấy giá tăng mỗi ngày".
Giá cao sẽ "ăn" vào lợi nhuận của các nhà chế biến như WH Group, đã báo cáo lợi nhuận giảm 17% trong nửa đầu năm 2019 vào tuần trước và cảnh báo giá heo dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Lợi nhuận lớn
Giá heo hơi tại miền Nam tăng rất cao, sau khi dịch ASF càn quét khu vực trong những tháng gần đây.
Sản lượng đã giảm tại khu vực trong mấy năm trở lại đây sau khi chính quyền địa phương đóng cửa các trang trại gần nguồn nước và những trung tâm dân cư nhằm làm bảo vệ môi trường.
Theo Reuters, giá heo hơi tại Quảng Đông đã tăng vọt lên hơn 28 nhân dân tệ/kg, tăng gấp hai lần so với cuối tháng 5. Các tỉnh lân cận, gồm Quảng Tây và Phúc Kiến, cũng ghi nhận giá heo lên tới 26 và 28 nhân dân tệ/kg.
Sự phục hồi về giá đã kéo biên lợi nhuận trung bình vượt 1.000 nhân dân tệ/con, với mức kỉ lục trước đó là 1.135 nhân dân tệ. Theo JCI. Margins, tại Quảng Đông, biên lợi nhuận trung bình lên gần 1.700 nhân dân tệ/kg.
Mức lợi nhuận này cao gấp nhiều lần so với những trang trại tại châu Âu hay Mỹ có thể thu về.
Các hộ chăn nuôi đang nỗ lực bắt đầu mở rộng lại trang trại, dù rủi ro hoạt động trong môi trường vẫn còn dịch ASF là rất cao.
"Chúng tôi đang mở rộng. Tương lai sẽ rất tốt", ông Yin Pingan, Chủ tịch của công ty Chongqing Riquan Agriculture and Animal Husbandry cho biết.
Công ty, với 30.000 con heo, đang xây dựng các trang trại mới ở cả tỉnh Quảng Đông và Quý Châu.
Ông Yin cho biết nếu không có rủi ro, liệu giá heo có tăng cao như vậy không?
Hình ảnh trích từ trang trại Anova Farm
"Quá rủi ro"
Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi khác, lợi nhuận tăng cao không đủ để kéo họ quay trở lại ngành. Nhiều người nông dân vẫn đang chìm trong nợ nần sau khi mất toàn bộ đàn heo vì dịch bệnh và không nhận được bất kì hỗ trợ nào từ chính phủ.
Một người chăn nuôi heo họ Peng tại Quảng Đông nhận định việc tái đán quá rủi ro. Ông Peng đã bán toàn bộ 10.000 con heo vào tháng 6 sau khi một số con nhiễm dịch.
Ông cũng cho biết sẽ không quay về nuôi heo cho tới khi điều chế được vacxin phòng dịch ASF.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng của dịch ASF.
Giá thịt heo bán lẻ đã tăng hơn 40% kể từ khi trường hợp nhiễm dịch đầu tiên bùng phát vào tháng 8/2018.
Các quan chức chính phủ dự báo giá thịt heo bán lẻ sẽ tăng tới 70% trong nửa đầu năm vì nhu cầu đối với loại thịt được ưa chuộng của Trung Quốc tăng khi thời tiết lạnh hơn và dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn: Reuters.
Theo vietnambiz.vn